Theo thống kê của ngành nông nghiệp thì có đến 75% kháng sinh trong chăn nuôi được nhập khẩu từ Trung Quốc, nhưng không được quản lý chặt chẽ trong tiêu thụ. Do đó, có tình trạng nhiều loại kháng sinh cấm hoặc hạn chế sử dụng vẫn được nhập khẩu và buôn bán tự do. Tình trạng kháng thuốc kháng sinh đang trở thành vấn đề quan ngại hàng đầu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), trong đó Việt Nam được xếp vào “một trong những nước có tỷ lệ kháng kháng sinh cao nhất trên thế giới.
Kháng sinh được sử dụng trong chăn nuôi ở nước ta với 3 mục đích là trị bệnh, phòng bệnh, kích thích tăng trưởng. Việc bổ trợ thường xuyên một lượng kháng sinh liều thấp vào thức ăn, nước uống giúp diệt vi khuẩn có hại, làm giảm chi phí thức ăn, tăng khả năng hấp thụ, giúp vật nuôi tăng trưởng đã từng được cho là giải pháp tốt, nhưng hiện nay nhiều nước trên thế giới đã hạn chế, kiểm soát hoặc cấm sử dụng vì những tác động tiêu cực của nó. Về nguyên lý, khi một loại kháng sinh được sử dụng nhiều lần, vi khuẩn sẽ trở nên thích nghi, "nhờn" với loại kháng sinh đó khiến các chủng vi khuẩn sinh ra biến thể mới để vô hiệu hóa tác dụng của thuốc.
Việc kháng kháng sinh của vi khuẩn không chỉ gây tác hại trực tiếp tới vật nuôi mà bằng nhiều con đường khác nhau như sự tiếp xúc của người chăn nuôi, giết mổ; chất thải phát tán ra môi trường đã xâm nhập vào cơ thể con người.
Đặc biệt, ở không ít hộ chăn nuôi, trang trại, không đợi vật nuôi đào thải hết kháng sinh đã xuất bán tạo ra những tồn dư kháng sinh trong thực phẩm rất lớn. Người dân ăn thực phẩm mỗi ngày cũng là ăn cả kháng sinh, lâu dần dẫn đến tình trạng cơ thể kháng thuốc kháng sinh mà không biết tại sao.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành quy định về các loại kháng sinh được sử dụng, bị hạn chế hay cấm sử dụng trong chăn nuôi. Tuy nhiên, thực tế việc mua bán thuốc kháng sinh ở nước ta quá tự do, chưa kiểm soát được người chăn nuôi nên kháng sinh đang được sử dụng tràn lan trong chăn nuôi từ heo, gà, trâu, bò đến thủy sản mà chưa có biện pháp hữu hiệu nào, chủ yếu trông chờ vào sự tự giác của người chăn nuôi.
Vì lợi nhuận, không ít trang trại sử dụng một lượng lớn thuốc kháng sinh cấm, trộn thẳng vào thức ăn mà không cần quan tâm tới sức khỏe người tiêu dùng. Tồn dư kháng sinh trong thực phẩm còn do bảo quản thực phẩm gia súc, thủy sản nuôi (tôm, cá), hải sản (cua, mực, bạch tuộc, ghẹ) và thủy sản khô các loại trong quá trình vận chuyển, lưu trữ trên phạm vi cả nước.
Tồn dư kháng sinh trong thực phẩm, tùy từng loại, sẽ gây hại tức khắc, như dị ứng đối với người nhạy cảm kháng sinh. Tiếp theo, khi tồn dư kháng sinh tạo ra thể vi khuẩn kháng thuốc sẽ gây khó khăn trong công tác điều trị nhiễm khuẩn, làm giảm sự đáp ứng miễn dịch của cơ thể. Một số loại kháng sinh như: Dexametazon, tetracyclin có tác dụng tăng trọng, nếu con người ăn phải sẽ tăng hiện tượng đồng tính luyến ái, gây ung thư hoặc các bệnh nghiêm trọng khác trong gan, thần kinh, hệ tiêu hóa, tim và có khả năng gây đột biến.
Tuy tác hại như vậy, nhưng bằng mắt thường người tiêu dùng không thể biết được thực phẩm có tồn dư kháng sinh. Cuộc đấu tranh chống sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi vẫn hết sức phức tạp. Khi thuốc cũ không có tác dụng, thuốc kháng sinh mới chưa có, vi khuẩn gây bệnh có nguy cơ trở thành đại dịch. Mỗi năm thế giới vẫn đang tiêu tốn nhiều tỷ đô-la để tìm ra những kháng sinh mới. Giới chức y tế và các nhà khoa học Mỹ thông báo, siêu vi khuẩn kháng mọi kháng sinh đã xuất hiện tại Mỹ. Bác sĩ Lốc-ki Oai (Lokky Wai), đại diện WHO tại Việt Nam đưa ra khuyến cáo: "Khi thuốc kháng sinh không còn tác dụng thì chỉ một vết cắt nhỏ cũng có thể gây tử vong".
Thời gian qua, một số lô hàng thủy sản xuất khẩu của Việt Nam tiếp tục bị các thị trường cảnh báo về hàm lượng tồn dư kháng sinh, hóa chất cấm. Còn đối với chăn nuôi, sản phẩm thịt lợn, gia cầm xuất khẩu sang các nước vẫn còn khá hạn chế, một phần do chất lượng chưa đáp ứng yêu cầu của thị trường nhập khẩu. Điều này đặt ra yêu cầu đối với ngành chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản là phải nâng cao chất lượng sản phẩm, trong đó có việc quản lý chặt tình trạng sử dụng chất cấm, kháng sinh trong quá trình sản xuất.
Với số lượng lớn thịt lợn và thịt gia cầm tiêu dùng trong nước hàng ngày, việc tồn dư kháng sinh có thể là rủi ro lớn đối với sức khỏe cộng đồng. Điều này cũng có thể gây ra những bệnh mới nổi lây truyền sang người hoặc những bệnh mới nổi lây truyền qua thực phẩm. Do đó, từ đầu năm 2018, Việt Nam đã dừng sử dụng các loại kháng sinh cho mục đích sinh trưởng trong chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản và chỉ cho phép sử dụng trong sản xuất con giống. Đặc biệt, lộ trình đến năm 2020, Việt Nam sẽ dừng hẳn việc sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản.
Để cải thiện chất lượng thực phẩm có nguồn gốc từ động vật, cũng như tránh được tình trạng kháng kháng sinh cho người thì trước hết phải bắt đầu từ người chăn nuôi; cần phải tuyên truyền, giáo dục, nâng cao hiểu biết cho họ về mặt lợi của kháng sinh và mặt hại của việc dùng kháng sinh không đúng loại, liều lượng, thời gian.
Bên cạnh đó, cần quản lý, kiểm soát được việc mua bán kháng sinh, việc sử dụng kháng sinh tại các cơ sở chăn nuôi. Đồng thời, phải thanh tra nghiêm ngặt, thường xuyên, tạo sự công bằng trong chăn nuôi và có chế tài đủ sức răn đe, tiến tới cần có luật chăn nuôi. Duy trì đường dây nóng động viên, khen thưởng kịp thời người phát hiện ra các cơ sở sản xuất, kinh doanh vi phạm. Đồng thời, đầu tư thiết bị, kỹ năng cho các phòng thí nghiệm để phát hiện nhanh, chính xác những mẫu tồn dư kháng sinh.
Cần xây dựng các cơ sở chăn nuôi an toàn sinh học, hạn chế chăn nuôi nhỏ lẻ để phòng, chống dịch bệnh và lây lan vi khuẩn. Nên tìm các thảo dược hay chế phẩm từ những vi khuẩn có lợi để thay thế kháng sinh. Thắt chặt việc mua bán kháng sinh tự do theo hướng chỉ bán kháng sinh theo kê đơn của bác sĩ, tiến tới chỉ sử dụng kháng sinh với mục đích chữa bệnh; chấn chỉnh hoạt động của lò mổ, nơi dễ lây nhiễm vi sinh vật; phải ngăn chặn tận gốc tình trạng sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi, thủy sản; truy xuất từ lò mổ tới cơ sở chăn nuôi, tới nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi, các cơ sở nhập khẩu kháng sinh.
Năm 2018, Việt Nam ngừng cho phép sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi. Đây có thể là tín hiệu đáng mừng. Tuy nhiên, để hạn chế tình trạng kháng kháng sinh, ngoài cơ quan chức năng, rất cần sự chung tay của mỗi cán bộ y tế, người dân, người chăn nuôi và toàn thể cộng đồng. Để hạn chế rủi ro, người tiêu dùng nên tự trang bị những kiến thức nhất định về vệ sinh an toàn thực phẩm và chọn mua thực phẩm chăn nuôi tại các cơ sở uy tín.
Nguồn: